Lịch sử Cây sáo thần

Trang bìa một ấn bản.Tamino và Pamina.

Wolfgang Amadeus Mozart soạn vở nhạc kịch Cây sáo thần vào năm 1791, đây là trứ tác được Mozart yêu chuộng nhất và do chính tác giả chỉ huy dàn nhạc hai tháng trước khi ông từ biệt cõi đời. Kịch bản được khai thác từ một huyền thoại của Vilande (1733 - 1813), với bối cảnh chính là Ai Cập cổ đại vừa lãng mạn, vừa hoang sơ, vừa cổ kính[2].

Vở nhạc kịch cuối đời của Mozart này còn được học giới coi là cách thể hiện ý tưởng cải cách mạnh hơn nữa. Sau Cách mạng Pháp 1789, tư tưởng "bình đẳng, tự do, bác ái" lan truyền rộng khắp Âu châu khiến hoàng đế Áo Leopold II lo ngại tung ra chiến dịch đàn áp mạnh mẽ, bản thân Mozart đã từng bị nghi tham gia cộng sản và bị quản thúc. Về mặt âm nhạc, lần đầu tiên ông đã tạo được hệ thống chủ đề và âm hình dàn nhạc theo sát những chuyển động nhanh trong phần kịch, mỗi nhân vật được khắc họa rõ tính cách thông qua chủ đề âm nhạc, và toàn bộ dàn nhạc đã được huy động tối đa để nâng đỡ từng giọng ca, tạo nền cho mỗi nhân vật, và hòa tấu cùng dàn hợp xướng thành một khối âm thanh mạnh nhưng mềm mại, lớn nhưng uyển chuyển, đánh dấu một bước chuyển rõ rệt trong nghệ thuật sử dụng hợp xướng và dàn nhạc, một cách mạng về "công nghệ" kiến tạo nghệ thuật và tư tưởng thời kỳ đó. Sự cách tân mạnh mẽ của Cây sáo thần không những đã gây tranh cãi trong nghệ giới wien lúc đó, mà còn dư âm tới khá lâu sau, tới mức mà Goethe, thi hào Đức, phải thốt lên: "Phải có kiến thức để hiểu được giá trị của kịch bản và tác phẩm đó, không thì sẽ phủ nhận nó".

Về phần dàn nhạc, Mozart đã đưa những khúc hòa tấu nhỏ còn ở dạng tùy hứng đến với khuôn khổ và chính ông là người xác lập một dạng cấu trúc tác phẩm hoàn toàn mới vào thời đó, những bản concerto (hòa tấu giữa một nhạc cụ với dàn nhạc) viết theo hình thức sonata. Trong lĩnh vực nhạc hát, ông đã thể nghiệm loại ca khúc một người hát với phần đệm piano, khi đó rất mới lạ với công chúng và phải mất nhiều năm sau mới được phổ biến rộng rãi cho tới khi trở thành mẫu mực tới tận ngày nay, thể loại "ca khúc nghệ thuật".

Chịu ảnh hưởng âm nhạc của Haydn thời kỳ đầu, Mozart đã viết liền sáu bản tứ tấu cho đàn dây (1728 - 1785) với cấu trúc và tinh thần rất mới, mà sau này trở thành mẫu mực cổ điển cho thể loại tứ tấu đàn dây, không những thế, loạt tác phẩm còn được giới phê bình đánh giá là "sự phát triển của chủ nghĩa lãng mạn chân chính" và là "chiếc cầu nối với tâm hồn Schubert" thời kỳ sau. Cũng trong thời gian này, Mozart đã nghiên cứu và xác lập nên hai hình thức FantasiaRondeau, là cơ sở cho lý thuyết âm nhạc cổ điển sau này.

Cây sáo thần không phải thần thoại mà chỉ là những mẩu truyện được nối kết nhau không đầu không đuôi, nhiều khi khá là vô lý, thí dụ như vai Queen of the Night mới đầu tưởng là vai hiền, qua màn sau bỗng biến thành vai ác và cuối cùng bị quét vào bóng đêm. Chuyện thần tiên, dù khó tin là có thật, vẫn có cốt truyện đầu đuôi đàng hoàng, riêng Cây sáo thần thì không[3]. Thành ra kể rõ cốt truyện Cây sáo thần là một điều khó làm vì nó thật là “tiền hậu bất nhất” giống thí dụ nói trên. Nhân vật thì muốn xuất hiện lúc nào cũng được, vai trò và tình cảm biến chuyển không rõ rệt, có tính cách khôi hài khá nhiều[4].

Một truyện hoang đường xảy ra ở một thành thị Ai Cập giả tưởng, với ba nhân vật chính là hoàng tử Tamino, anh chàng bắt chim Papageno và nàng công chúa Pamina, lệnh ái nữ hoàng Bóng Đêm[5]. Papageno và Tamino được bà hoàng giao cho nhiệm vụ đi kiếm đem về cô Pamina, vốn bị ông kẹ Sarastro bắt đi. Bà hoàng cho Papageno một chùm chuông thần và Tamino một chiếc sáo thần. Trên đường đi hai anh gặp được ba em bé chỉ đường dẫn lối và khuyên bảo. Ông kẹ Sarastro hóa ra lại là người hiền, giáo chủ một phái có ngôi đền ánh sáng. Ông cho Tamino qua nhiều thử thách để chứng tỏ chàng là người đảm lược và có nhiều tình thương. Trong khi đó chàng Papageno đi loạng quạng đủ nơi, gặp tên Monostatos đang trông chừng Pamina và nhất định ép uổng nàng. Papageno và tên Monostatos này giống như hề của vở tuồng, chẳng đóng góp gì cho lắm vào cốt truyện. Papageno chỉ thích được ăn ngon diện đẹp và có tình nương thì được toại nguyện, kiếm ra được nàng Papagena. Cuối cùng Tamino và Pamina được vào ngôi đền chiếu sáng, qua được thử thách vượt lửa và nước rồi được tôn vinh. Còn Monostatos thì cấu kết với Queen of the Night tính gây rối nhưng tất cả bị quét mất vào màn đêm[6].

Câu truyện lộn xộn cứ kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ và hình như chỉ có mục đích làm cái phông để đưa ra những bài hát hay và những giọng hát đặc biệt, thí dụ như vai Queen of the Night phải là giọng “soprano coloratura”, vai Sarastro phải là giọng bass thật trầm, vai ba em bé phải là giọng “soprano” của mấy em trai nhỏ chưa bể tiếng... Nội dung những bài hát thì có mục đích nói lên tâm trạng nhân vật cũng như đề cao lòng can đảm, kiên trì, đạo đức và tình thương[7].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cây sáo thần http://www.kernkonzepte.ch/nutmoz.htm http://www.opera-guide.ch/opera.php?id=254&uilang=... http://www.aria-database.com/translations/magic_fl... http://operabase.com/top.cgi?lang=en http://www.internetloge.de/zaujpg/zaudia58.htm http://www.kultur-fibel.de/Kultur%20Fibel%20Magazi... http://digital-b.staatsbibliothek-berlin.de/digita... http://nrs.harvard.edu/urn-3:FHCL.Loeb:278361 http://opera.stanford.edu/Mozart/Zauberflote/synop... //dx.doi.org/10.1017%2FS0954586700004808